Call Now
Call Now

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi lái thử xe gây tai nạn

Ngày 12/8 mới đây, một chiếc Subaru Forester chuyên dùng để cho khách hàng lái thử đã bị mất lái tông văng cột đèn, tông nát 3 xe máy tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả, một lần lao vỉa hè đó không chỉ gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng công cộng của Nhà nước, mà còn khiến chiếc xe đã bị hư hỏng nặng, hệ thống túi khí an toàn bung toàn bộ, đầu xe biến dạng không còn nhận ra. Được biết, đây không phải trường hợp đầu tiên ghi nhận việc người lái không thể kiểm soát tốt những chiếc xe được giao lái thử. Khi sự cố xảy ra, chi phí để đền bù và khắc phục thiệt hại không phải con số nhỏ. Vấn đề đặt ra là Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi xe dùng để lái thử gây tai nạn?”

Cách nhìn chung nhất, nhiều người cho rằng người lái thử gây tai nạn thì phải tự bồi thường. Tuy nhiên, sự cố xảy ra không thể loại trừ nguyên nhân do lỗi kĩ thuật cố hữu của xe, hoặc do bên giao lái thử không cung cấp đủ thông tin để người lái có thể điều khiển tốt một chiếc xe lạ. Tức vẫn có khả năng bên giao lái thử (hãng phân phối, bán xe) cũng có một phần, hoặc toàn bộ trách nhiệm khi chiếc xe gây ra thiệt hại. Thực tế luôn luôn đặt ra vô vàn sự cố với những nguyên do khác nhau, tùy từng trường hợp mà yếu tố “lỗi” có thể thuộc về nhiều chủ thể: Một là hãng xe giao lái thử, hai là người lái thử hay ba là bên thứ ba bị thiệt hại. 

Nhưng để giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi người lái thử xe gây tai nạn, lý giải từ góc nhìn pháp lý, thì việc xác định “lỗi” thuộc về ai lại không phải yếu tố trọng yếu. Việc áp dụng quy định của luật để xử lý thiệt hại dưới đây sẽ chứng minh nhận định đó. Thiệt hại được đề cập trong một sự cố lái thử xe bao gồm hai loại, phân biệt bởi chủ thể chịu thiệt hại: thứ nhất là sự hư hỏng của tài sản thuộc sở hữu của bên thứ ba, thứ hai là sự hư hỏng của chính phương tiện gây tai nạn. 

1. Bồi thường thiệt hại về tài sản thuộc sở hữu của bên thứ ba (bỏ qua khả năng thiệt hại phát sinh do lỗi cố ý của bên thứ 3)

Chủ thể bị thiệt hại ở đây là một người (hay tổ chức) khác nằm ngoài quan hệ thỏa thuận giữa bên lái thử và hãng xe giao lái thử. Vì vậy, để trả lời câu hỏi “ai là người phải bồi thường” thì trước hết, ta phải xác định rằng đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, và thiệt hại đã tồn tại trên thực tế.

Xét trong mối quan hệ với bên thứ 3 bị thiệt hại, cơ sở pháp luật có khả năng được áp dụng là quy phạm chung về bồi thường ngoài hợp đồng, hoặc quy phạm cụ thể về bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (chiếc xe oto lái thử được coi là một nguồn nguy hiểm cao độ). Việc lựa chọn một trong hai nhóm quy phạm trên phụ thuộc vào nguyên nhân thực tế gây ra sự cố. Nhưng đặc biệt ở chỗ, dù áp dụng quy định nào thì kết quả trách nhiệm bồi thường cho bên thứ 3 vẫn dễ “rơi vào đầu” người lái xe thử. Nói cách khác khả năng cao chi phí khắc phục cột đèn giao thông và 3 chiếc xe gắn máy bị hư hại trong vụ tai nạn sẽ do người lái Subaru Forester bồi thường. Cụ thể:

  • Áp dụng quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp: người lái thử xe vi phạm luật giao thông đường bộ và trực tiếp gây ra tai nạn. Điều đương nhiên rằng người lái xe là chủ thể thực hiện hành vi sai luật thì cũng là chủ thể phải chịu bồi thường cho thiệt hại thực tế vì đã đủ căn cứ để làm phát sinh trách nhiệm này theo pháp luật. 
  • Áp dụng quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp: lỗi máy móc, kĩ thuật cố hữu của xe hoặc trục trặc khách quan khiến xe nằm ngoài tầm kiểm soát của người lái và dẫn tới tai nạn. Ở đây sự kiện bất thường trong hoạt động của xe là một căn cứ bắt buộc và đặc thù để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại từ nguồn nguy hiểm cao độ mà không cần xét đến tồn tại của yếu tố “hành vi vi phạm pháp luật” của con người. 

Theo luật định, nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì người này phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Xét trường hợp thiệt hại xảy ra khi xe được hãng phân phối giao cho khách hàng lái thử thì khách hàng sẽ là người chịu trách nhiệm trước bên thứ 3. Trừ khi giữa hãng xe và khách hàng đã có thỏa thuận trước đó về việc khách hàng không phải bồi thường toàn bộ, hay một phần thiệt hại xảy ra trong quá trình thử xe nếu khách hàng không có lỗi. Tuy nhiên, thỏa thuận như vậy hiếm khi được giao kết trên thực tế thị trường phân phối, mua bán oto [được trình bày rõ hơn ở phần sau]. Nhìn chung, người lái thử xe sẽ vẫn là đối tượng “thiệt đủ đường”, phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước bên thứ ba. 

2. Bồi thường thiệt hại về phương tiện gây tai nạn

Trong sự cố, chiếc Subaru Forester được cho biết đã bị hư hỏng đến mức khó nhận ra hình dạng ban đầu. Thiệt hại về tài sản ở đây xảy ra trực tiếp trong quá trình thực hiện thỏa thuận dùng thử xe-một khâu phổ biến trước khi thực hiện giao kết hợp đồng mua bán oto. Thỏa thuận này được thực hiện giữa bên cho lái thử là đại lý, hãng phân phối xe và người lái thử là khách hàng có nhu cầu kiểm tra chất lượng chạy của loại xe sẽ mua. Vì vậy, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của xe oto là nghĩa vụ liên quan và phát sinh trong hợp đồng lái thử xe. Căn cứ đầu tiên để xác định ai là người phải bồi thường là dựa trên thỏa thuận của các bên về vấn đề này. 

Oto là một hàng hóa xa xỉ, có giá trị cao và thường được cung cấp bởi những doanh nghiệp, đại lý phân phối lớn với quy trình giao dịch cố định và phức tạp. Để có thể giao một chiếc xe hàng mẫu cho khách hàng lái thử, hãng xe sẽ yêu cầu khách hàng ký kết một văn bản có nội dung chủ yếu cam kết về nghĩa vụ của bên lái thử trong suốt thời gian được giao xe. Ví dụ như việc đảm bảo về tư cách lái xe, việc tuân thủ quy định luật giao thông và cách xử lý các tổn thất, rủi ro có thể phát sinh. Đây là văn bản thường được hãng xe soạn thảo sẵn nên các điều khoản sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi của hãng, ràng buộc nghĩa vụ bồi thường khi phát sinh thiệt hại cho khách hàng mà không phụ thuộc vào chủ thể nào có “lỗi”. Trên bàn giao kết này, người mua là bên bị bị động khi phải ký vào văn bản hoàn toàn bất lợi và rủi ro cho mình nếu muốn xác định kĩ chất lượng xe. Khi đã xảy ra thiệt hại thực tế, những thỏa thuận này là phương tiện để nhà phân phối chối bỏ nghĩa vụ tài chính thuộc về mình (nếu có), và “quy chụp” trách nhiệm về phía khách hàng. Ảnh có chứa văn bản

Mô tả được tạo tự động

Hình: Một phần nội dung của Mẫu đơn nội dung đăng ký lái thử xe

của Công ty cổ phần Ôtô An Thái

(Nguồn: https://vinfastchevroletanthai.com/mau-don-dang-ky-lai-thu-25-25.html)

Vì lẽ đó, trước khi đặt bút ký vào bất kỳ văn bản nào, khách hàng mua xe mua cần chú ý rà soát, đọc kỹ các điều khoản. Tránh sử dụng hợp đồng, cam kết theo mẫu có sẵn bởi thường sẽ bị “cài cắm” các mục có lợi cho bên soạn. Nếu hãng xe không sửa hợp đồng, khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn các hãng xe, đại lý xe uy tín khác có nội dung hợp đồng đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.

Tóm lại, loại trừ khả năng bên thứ 3 bị thiệt hại có “lỗi” và các tình thế cấp thiết, những phân tích trên cho thấy người lái xe hoàn toàn bị đặt vào thế yếu trong quan hệ bồi thường cho thiệt hại đã phát sinh. Thực tiễn cần được phân định bởi pháp luật, pháp luật lại tôn trọng hướng tới thỏa thuận giữa các bên. Nhưng cả pháp luật và thỏa thuận đều có điểm “bất lợi” cho người lái cả khi họ hoàn toàn không có lỗi gây ra thiệt hại. 

Đối với vụ việc trên, đã có ghi nhận về trường hợp một chiếc xe Subaru Forester từng gặp phải sự cố tương tự vào năm 2020, chứng tỏ nguyên nhân xe mất kiểm soát có thể là vấn đề kỹ thuật cố hữu của dòng xe. Tuy nhiên, việc kiểm tra, chứng minh về “lỗi” và thương lượng với hãng xe không phải lúc nào cũng khả thi; đồng thời các biện pháp tố tụng nhằm bảo vệ quyền lợi của người lái thử đòi hỏi thời gian và chi phí không nhỏ. Trong trường hợp giữa 2 bên đã tồn tại bản cam kết ràng buộc việc đền bù tổn thất hoàn toàn thuộc về khách hàng đã lái thử, họ rất khó phủ nhận trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước, cho chủ sở hữu 3 chiếc xe gắn máy và cho hãng xe cho lái thử.  

Người viết: Vũ Thị Vân Anh

Lưu ý: Cách triển khai lập luận và ngôn ngữ viết dưới đây phù hợp với hình thức bài báo, bài đăng tạp chí không chuyên Luật. 

 

Thông tin liên hệ:

⚖️ King Attorney

🏛 Tầng 4, Tòa nhà Lam Giang, số 167-173 Trần Hưng Đạo, Phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

📞 Tư vấn luật: 1900866647

📩 Email: info@kingattorney.com.vn

🌐 https://appka.vn/